Chúc mừng sinh nhật lần thứ 131 của chủ tịch Hồ Chính Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam (19/5/1890 – 19/5/2021). Đứa cháu bất tài này của Bác chẳng biết làm gì chỉ xin gửi một số bài viết viết về Bác nhân dịp sinh nhật lần thứ 128 của Người.
Tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969)
Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19-5-1890 ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và mất ngày 2-9-1969 tại Hà Nội.
Người sinh ra trong một gia đình: Bố là một nhà nho yêu nước, nguồn gốc nông dân; mẹ là nông dân; chị và anh đều tham gia chống Pháp và bị tù đày.
Ngày 3-6-1911, Người ra nước ngoài, làm nhiều nghề, tham gia cuộc vận động cách mạng của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác-Lênin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa. Năm 1920, Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội Tua. Năm 1921, người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp; xuất bản tờ báo Người cùng khổ ở Pháp (1922). Năm 1923, Người được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là Uỷ viên thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Năm 1925, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu á, Xuất bản hai cuốn sách nổi tiếng: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) và Đường cách mệnh (1927).
Năm 1925, Người thành lập Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức “Cộng sản đoàn” làm nòng cốt cho Hội đó, đào tạo cán bộ Cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam.
Ngày 3-2-1930, Người chủ tọa Hội nghị thành lập Đảng họp tại Cửu Long (gần Hương Cảng). Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ Đảng do chính Người soạn thảo. Người ra lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi là Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi Đảng Lao động Việt Nam và nay là Đảng Cộng sản Việt Nam ).
Từ năm 1930 đến 1940, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam của các dân tộc bị áp bức khác trong những điều kiện vô cùng gian khổ và khó khăn.
Năm 1941, Người về nước, triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, quyết định đường lối cứu nước, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, chính sách căn cứ địa, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Sau Cách mạng Tháng Tám (1945) thắng lợi, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946).
Cùng với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam phá tan âm mưu của đế quốc, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng.
Ngày 19-12-1946, người kêu gọi cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng Tháng Tám.
Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ (1954).
Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (1955) Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.
Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; lãnh đạo sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đề ra đường lối đúng đắn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người sáng lập ra Đảng Mácxít-Lêninnít ở Việt Nam, sáng lập ra Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, sáng lập ra các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần tăng cường đoàn kết quốc tế. Người là tấm gương sáng của tinh thần tập thể, ý thức tổ chức và đạo đức cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc.
Trích: http://thanhxuan.gov.vn/portal/home/print.aspx?p=520
Kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018): Bác Hồ – Kết tinh hồn dân tộc
Bác Hồ – Người đã dành trọn cuộc đời, tâm huyết của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Người đã mãi đi xa, nhưng hình ảnh về một lãnh tụ vĩ đại, đáng kính, được nhân loại biết đến và kính nể thì mãi vĩnh hằng trong trái tim mỗi thế hệ người Việt Nam chúng ta và bạn bè quốc tế. Bác Hồ – một con người giản dị, nhưng toát lên linh hồn của cả một dân tộc.
Một con người – Một cuộc đời – Một dân tộc
Nói đến Việt Nam, bè bạn quốc tế đều biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói về Người bằng tình cảm tôn trọng và khâm phục. Từ lâu, hình ảnh của Người trong tâm trí bạn bè quốc tế đã là hình ảnh của một nước Việt Nam thu nhỏ, một dân tộc anh hùng, ở đó con người thật hiền hoà, chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất, nhưng cũng vô cùng dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho chính mình.
Biết về Bác, thăm quê Bác, thăm ngôi nhà Bác đã từng sinh sống khi nhỏ, theo dấu chân bác trên suốt con đường hoạt động cách mạng qua các di tích, được nghe kể về Bác… chúng ta càng thấy kính nể Người hơn và thấu hiểu tại sao cả dân tộc Việt Nam coi Người như vị Cha già dân tộc, thờ ảnh Người ở những nơi trang trọng nhất và gọi Người bằng cái tên gần gũi nhất. Không ai có thể đếm được hết các vì sao trên bầu trời, bởi mỗi vì sao đó là hiện thân, là hiện hữu cho chính công lao, cho tình cảm mà Bác đã dành cho cả dân tộc Việt Nam chúng ta.
Cái giản dị trong phong cách sống của Bác đã tạo nên hình ảnh về một vị lãnh tụ rất đỗi gần gũi với dân. Giản dị thôi, nhưng không hề giản đơn, bởi bên trong chính một con người giản dị đó là một trí tuệ vĩ đại, một thiên tài về nghệ thuật quân sự, một nhà văn hoá có tầm nhìn rộng. Đó cũng là hiện thân của một dân tộc có sức mạnh tiềm tàng, bền bỉ và tự lực. Một vị lãnh tụ đáng kính với căn nhà ba gian (Nhà 58 – Khu Di tích Phủ Chủ tịch), hay sau đó là một ngôi nhà sàn đơn sơ. Nếu có ai đó được biết đến các giai thoại về mấy lần chuyển nhà của Bác trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch thì còn có thể hiểu sâu sắc hơn nữa cái chất giản dị nơi Bác. Chính sự giản dị đó đã làm kinh ngạc bao vị khách cao cấp quốc tế, các nhà báo nước ngoài khi đến thăm nơi ở và làm việc của Bác. Đặc biệt khi vào thăm căn nhà 67 tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch – nơi Bác đã dưỡng bệnh và trút hơi thở cuối cùng, không ai khỏi bùi ngùi thương Bác. Thương Bác bởi Bác không còn với chúng ta nữa, thương Bác bởi Bác không thể được hưởng trọn niềm vui toàn thắng của dân tộc. Càng thương Bác ta càng thấy tôn trọng Bác hơn, yêu Bác hơn, tự hào về Bác hơn, tự hào về dân tộc Việt Nam của chúng ta hơn.
Cuộc đời hoạt động cách mạng, hiến dâng đời mình cho lý tưởng cách mạng đã phác hoạ cả một giai đoạn lịch sử của một dân tộc từ bùn đen nô lệ vùng lên giành lại tự do, làm gương sáng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Người là kết tinh của dân tộc, là đại diện tiêu biểu nhất cho một dân tộc.
Một con người – Muôn vàn tình yêu thương
Cả cuộc đời, Bác đã dành trọn tình yêu thương của mình cho đồng loại, cho dân tộc. Đó là một thứ tình cảm được thể hiện bằng chính những cử chỉ nhỏ nhất đến những hi sinh cao cả nhất: Bác sẵn sàng nhường miếng cơm ít ỏi của mình cho người khác, bớt lại từng hạt gạo giúp đồng bào qua cơn hoạn nạn, hi sinh cả tình cảm riêng tư của mình cho cách mạng, cho dân tộc. Đó là những tính cách đã đi vào bản chất của mỗi con người Việt Nam, được tôi luyện qua lửa đạn chiến tranh, qua gian nan đời thường. Nhưng ở Bác cái thứ tình cảm đó dường như có gì đó thiêng liêng hơn, trân trọng hơn, không bởi một lẽ Bác là lãnh tụ của chúng ta.
Người dành tình yêu thương, sự quan tâm đặc biệt của mình cho các em nhỏ, các cụ già, những người tàn tật. Sự quan tâm, chăm sóc của Bác không phải bột phát, nó cứ thường xuyên, tự nhiên như chính một thành tố cố hữu tạo nên tính cách một con người. Ở Bác có cả một biển cả tình yêu bao la không bao giờ cạn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành tình yêu vô bờ bến của mình cho nhân loại, cho nhân dân, Người còn là một nhà thơ. Thơ của Bác có tình yêu thiên nhiên, nhưng phảng phất trong từng vần thơ đó là một tấm lòng luôn hướng về Tổ Quốc (khi xa), là một tinh thần thép, lạc quan vào thành công tất yếu của sự nghiệp cách mạng. Có ai ngắm một bông hoa nở cũng một dạ nghĩ về sự nghiệp giải phóng dân tộc? Có ai bị gông cổ, xích chân, lê bước trên đường dài mệt mỏi mà vẫn có thể sáng tác ra được những câu thơ lạc quan, yêu đời? Phải có một tinh thần, phải có một ý chí, môt nghị lực và trên hết là phải có một tình yêu. Tình yêu đó dành cho ai, tất cả chúng ta đều biết.
Một con người – Một tư tưởng lớn
Chất giản dị trong bộ quần áo nâu, đôi dép cao su đã làm nên một anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, một nhà tư tưởng lớn. Cả thế giới biết đến điều đó, và chúng ta thấy tự hào về điều đó. Sự vận dụng các lý luận cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin một cách linh hoạt, sáng tạo và thực tiễn cách mạng Việt Nam; sự khéo léo trong kết hợp sức mạnh các bộ phận dân tộc, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sự khéo léo, có tầm nhìn xa trong giải quyết các mối quan hệ quốc tế, mối quan hệ với các nước láng giềng, hay với các nước XHCN anh em… tất cả những cái đó được hội tụ trong con người Hồ Chí Minh. Thực tế tuyên truyền, vận dụng và đúc kết các vấn đề về tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta lại lần nữa chứng minh phẩm chất cao đẹp, vĩ đại trong con người Bác.
Nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Bác, chúng ta lại càng nhớ Bác, nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác mà như nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi:
“… Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng soi những lối mòn…”.
Bác Hồ – cái tên gọi thật đỗi thân thương, gần gũi. Bác Hồ – một tư tưởng lớn trong một con người giản dị. Bác Hồ – vị lãnh tụ của chúng ta, là kết tinh văn hoá của cả dân tộc Việt Nam. Bác Hồ – Người mãi mãi cùng chúng ta trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Leave a Reply
Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký để bình luận.